Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn Gia Lai

Ngày đăng: 07-12-2016, 10:00 - Lượt truy cập: 2647

Tổng kinh phí cho đề án dạy nghề lao động nông thôn đến năm 2020 của tỉnh theo Quyết định 1956 là 486,2 tỷ đồng, trong đó riêng kinh phí hỗ trợ cho người học là 342,7 tỷ đồng. Tuy nhiên qua điều tra khảo sát nhu cầu học nghề lao động nông thôn thì vẫn chưa nhận được sự quan tâm đăng ký của nhiều người. Trong khi đó kế hoạch đào tạo nghề của tỉnh dự kiến mỗi năm khoảng gần 12.000 người.


Nhiều chính sách ưu tiên

 
Ngày 27-11-2009, Thủ tướng Chính phủ ban bành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1956). Đề án này có quy mô lớn nhất từ trước tới nay hướng tới khu vực lao động nông thôn. Đây cũng là đề án có sự hỗ trợ cho học viên, giáo viên nhiều nhất, số lượng đào tạo lớn nhất, gắn đào tạo nghề với dự báo xu hướng nhu cầu của thị trường lao động. Để thực hiện Đề án 1956, Nhà nước chi ngân sách xấp xỉ gần 26.000 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án kết thúc vào năm 2020, sẽ đào tạo nghề cho gần 10 triệu lao động khu vực nông nghiệp, đào tạo và bồi dưỡng cho 1 triệu cán bộ cấp xã.
 
Ông Nguyễn Tấn Thành- Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội), cho biết: “Dạy nghề cho lao động nông thôn là chủ trương thiết thực, mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Với đề án đào tạo nghề cho nông thôn đến năm 2020 của Chính phủ, tỉnh ta đã xây dựng kế hoạch trong 10 năm tới (2010-2020), toàn tỉnh sẽ đào tạo thêm 190.000 lao động, trong đó đào tạo trên 120.000 lao động nông thôn, với tổng kinh phí thực hiện trên 486,2 tỷ đồng.
 
Đối với học nghề ngắn hạn: Lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi gồm người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác thì được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.  Lao động nông thôn thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức 2,5 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học thực tế. Lao động nông thôn khác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học. Lao động nông thôn học nghề được vay để học theo quy định hiện hành về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Lao động nông thôn làm việc ổn định ở nông thôn sau khi học nghề được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay để học nghề.
 
Đối với lao động học trung cấp nghề và cao đẳng nghề là người dân tộc thiểu số thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo học các khóa học này thì được hưởng chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc nội trú (được hưởng 80% mức lương cơ bản và miễn giảm học phí học nghề và được hỗ trợ ở ký túc xá).
 
Đặc biệt, sau khi học xong khóa đào tạo nghề, lao động được vay vốn Chương trình 120- vốn vay giải quyết việc làm để tự tạo việc làm ngay nơi mình sinh sống.
 
Vẫn còn vướng mắc
 
Với những chính sách ưu đãi như vậy nhưng nghịch lý là qua điều tra khảo sát nhu cầu học nghề lao động nông thôn ở tỉnh ta số người đăng ký học nghề quá ít so với con số thực tế. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền đề án, về các chính sách ưu tiên hỗ trợ cho người học nghề ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn chưa nhiều nên nhiều người không nắm bắt hết được ý nghĩa của đề án. Mặt khác, người lao động còn quan niệm học xong chưa chắc đã có việc làm nên họ không mặn mà với việc học nghề.
 
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Thành cho biết: Nếu triển khai Đề án 1956 dạy nghề cho lao động nông thôn mà không tuyên truyền để người dân hiểu và thay đổi quan niệm thì việc dạy nghề và học nghề sẽ kém hiệu quả. Mặt khác, người dân ít mặn mà với việc học nghề sẽ dẫn đến một thực trạng là các địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo nghề thấp, dẫn đến tỉnh làm kế hoạch cũng sẽ bị thụ động.
 
Khắc phục vấn đề này, giải pháp trước mắt là phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ về chính sách Đề án 1956, lao động nông thôn trong độ tuổi lao động cần có ý thức đăng ký việc học nghề. Được biết, tất cả những nghề học liên quan đến nông nghiệp chiếm 80%, như trồng chăm sóc cà phê, tiêu, cao su; chăn nuôi thú y… còn lại dạy nghề công nghiệp- dịch vụ. Qua đào tạo, học viên sẽ hiểu và nắm bắt quy trình sản xuất kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp sẽ đạt năng suất cao hơn, tự tạo được việc làm cho thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững.

Đinh Yến

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc