Trên
thực tế, hiện nay những môn học xã hội nói chung và môn Ngữ Văn nói
riêng có rất ít đồ dùng học tập phục vụ công tác giảng dạy và học tập,
từ thực tế và trăn trở đó, thầy giáo Lê Hữu Tuấn Anh, giáo viên tổ Ngữ
Văn trường THCS Nguyễn Du đã có nhiều sáng tạo trong dạy học.
Tuy
mới chuyển về công tác tại trường THCS Nguyễn Du từ năm 2008, nhưng
tính đến nay, thầy giáo Lê Hữu Tuấn Anh đã có thâm niên 18 năm trong
nghề giáo viên. Trước đó, thầy công tác tại Trường THCS Ngô Gia Tự, xã
An Phú, thành phố Pleiku. Dù ở môi trường làm việc nào thầy cũng phát
huy hết khả năng, sự tận tâm với nghề. Nhờ đó, thầy Tuấn Anh đã có
những đóng góp đáng kể cho việc nâng cao chất lượng dạy và học. Đáng kể
nhất đó là việc áp dụng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) tạo đồ dùng
học tập phục vụ giảng dạy đối với môn Ngữ Văn.

Các giờ giảng của thầy Tuấn Anh luôn thu hút sự lắng nghe của học sinh
Sự
sáng tạo của thầy giáo Lê Hữu Tuấn Anh được thể hiện ở chính niềm say
mê với việc truyền thụ những kiến thức xã hội, cung cấp thông tin đa
dạng và phong phú đến học sinh thông qua việc ứng dụng CNTT trong việc
tạo ra các đồ dùng dạy học các môn xã hội một cách sinh động, trực quan
đem lại hứng thú cho học sinh, làm cho tiết học trở nên sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ. Hỗ
trợ tích cực cho quá trình tư duy chiếm lĩnh kiến thức. Trong các giờ
lên lớp, thầy Tuấn Anh luôn tạo sự hứng khởi và cuốn hút đối với học
sinh, những tiết học Ngữ Văn trở nên sôi nổi với những tranh ảnh minh
họa về tác giả và tác phẩm, các đoạn trích đọc diễn cảm, bài hát; đoạn
ngâm thơ có liên quan đến tác phẩm được soạn giảng trên máy tính. Không
chỉ vậy, phương pháp soạn giảng, khai thác thông tin phục vụ cho bài
giảng trên máy tính cũng đã được thầy Lê Hữu Tuấn Anh thường xuyên trao
đổi và giúp đỡ đồng nghiệp. Nhờ đó, đến nay các giáo viên ở tổ Văn của
nhà trường đã áp dụng hiệu quả CNTT vào phục vụ công tác giảng dạy. Qua
đó, đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn Văn nói riêng và chất
lượng dạy và học của nhà trường nói chung.
Sản phẩm Phần mềm tư liệu Ngữ Văn lớp 9 ( phần Văn học Trung đại Việt Nam)
đã hỗ trợ tích cực trong công tác giảng dạy và học tập môn Ngữ Văn,
đồng thời cũng mang về cho thầy Lê Hữu Tuấn Anh giải I Hội thi Đồ dùng
dạy học thành phố Pleiku năm học 2008- 2009 và giải III Hội thi sáng tạo
kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ IV. Phần
mềm này tích hợp hình ảnh, âm thanh, kênh hình, kênh chữ để làm nên một
hệ thống đồ dùng dạy học tương đối hoàn chỉnh. Từ ứng dụng phần mềm này
có thể hình thành hướng tiếp cận mới đối với việc sử dụng đồ dùng dạy
trong quá trình dạy học hiện nay, đó là sử dụng các ứng dụng CNTT trong
giảng dạy, từ đó hình thành tư duy thói quen tự học tự tìm kiếm thông
tin cho học sinh. Ứng dụng này cho phép người dùng (giáo viên) có thể sử
dụng như một đồ dùng dạy học trong nhiều đơn vị bài học của chương
trình Ngữ văn lớp 9, ngoài ra còn có thể sử dụng trong các tiết ôn tập,
hoặc các tiết ngoại khóa trong chương trình.
Thầy
Trần Mậu Nhân, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du tự hào khi nhận xét:
“Thầy Tuấn Anh là người tâm huyết với nghề, có chuyên môn cao, phương
pháp tốt, biết động viên học sinh trong học tập, giúp đỡ mọi người xung
quanh. Trong những năm qua, thầy luôn đạt danh hiệu giáo viên giỏi của
nhà trường và là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, luôn đi đầu trong các hoạt
động phong trào. Thầy Tuấn Anh thực sự là một điển hình tốt cho đồng
nghiệp và học sinh noi theo”.
Em
Thu Trang – học sinh lớp 9/7 tâm sự: “Thầy Tuấn Anh luôn khơi nguồn
sáng tạo của học sinh bằng cách đặt vấn đề, kêu gọi sự gần gũi của học
sinh, thường xuyên nhắc nhở và động viên học sinh trong học tập. Thầy
còn là người gần gũi, không bao giờ giữ khoảng cách với học sinh, những
giờ học của thầy luôn có tiếng cười, chúng em cảm thấy rất thoải mái và
hứng thú với những tiết học của thầy”.
Với
những gì đã làm được, thầy giáo Lê Hữu Tuấn Anh đã trở thành một tấm
gương sáng về tự học và sáng tạo của trường THCS Nguyễn Du nói riêng và
trong đội ngũ giáo viên của thành phố Pleiku nói chung. Qua đó, cùng với
ngành giáo dục thành phố thực hiện tốt Cuộc
vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn kết
với nội dung Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo
đức, tự học và sáng tạo”, góp phần quan trọng để mỗi thầy, cô giáo luôn
là một tấm gương làm theo Bác, là gương sáng cho học sinh noi theo./.