Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Bản Dao giữa làng Jrai

Ngày đăng: 13-09-2004, 03:53 - Lượt truy cập: 936
Bắc xong cái thang, bà Thẻn leo tót lên chái nhà lục một hồi lâu mới tìm thấy bộ trang phục truyền thống. Loay hoay, ngượng nghịu mặc được bộ áo quần đã quá khổ, bà thanh minh: "Lâu quá không đụng vào, bây giờ nó không vừa nữa rồi...".

Bắc xong cái thang, bà Thẻn leo tót lên chái nhà lục một hồi lâu mới tìm thấy bộ trang phục truyền thống. Loay hoay, ngượng nghịu mặc được bộ áo quần đã quá khổ, bà thanh minh: "Lâu quá không đụng vào, bây giờ nó không vừa nữa rồi...". Không lẫn vào đâu được bản sắc của người Dao, có điều đối với 45 hộ người Dao ở xã Ia Ga, huyện Chư Prông, Gia Lai này hiếm có dịp mặc đồ truyền thống của dân tộc mình. Bây giờ họ không còn chênh vênh trên nương rẫy đầy dốc và đá như miền Đông Bắc. Thôn Đồng Tâm dành riêng cho người Dao đang manh nha hình thành hiện nằm giữa làng của đồng bào Jrai bản địa, trên thảo nguyên màu mỡ của đất đỏ bazan...

Tây Nguyên - miền đất hứa

Bây giờ Tây Nguyên là mùa mưa, cỏ cây xanh thẳm một màu tươi tốt, thân cỏ dại ven đường cũng căng mẩy, màu hoa thắm như có ngàn công chăm bón. Đất bazan đỏ ối, tơi xốp, vạm vỡ trải dài thành những thảo nguyên mênh mông đầy ấn tượng. Theo lời giới thiệu rất hấp dẫn của Rah Lan H''''Chiểu, cán bộ Đoàn TNCS HCM huyện Chư Prông, Gia Lai, tôi đã vượt hơn 75 cây số để đến thăm bản người Dao ở xã Ia Ga cận biên giới Campuchia. Cây dầu trường đầu bản đã tròn con bóng mà người Dao đi rẫy vẫn chưa về trưa.

Theo kinh nghiệm của ông Nay Nghĩa (người Jrai) Chủ tịch UBND xã Ia Ga thì chọn mái nhà có khói bếp mà đến sẽ có người lớn ở nhà. Chúng tôi đã may mắn gặp ngay nhà Trưởng bản Triệu Văn Vỹ. Nhưng ông Vỹ cũng đi thăm rẫy từ tinh mơ chưa về chỉ có bà Chu Thị Thẻn-vợ ông đang quần quật với đám cháu nội và nồi rau cám cho lũ heo đang kêu đói eng éc ngoài chuồng. Nhóm vội bếp lửa, bà Thẻn đon đả pha nước mời khách: Các bác dùng đỡ chén nước, nhà Vỹ nó đi rẫy sắp về rồi. Ông Vỹ là cựu chiến binh đã từng tham gia bộ đội trước ngày giải phóng.

Năm 1979 lại một lần nữa vào quân đội, tham gia chiến trường Campuchia, mãi năm 1984 mới xuất ngũ. Những năm tháng đóng quân ở Tây Nguyên, ông Vỹ đã quá si mê miền đất tươi tốt này và quyết định chuyển cả gia đình từ xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng vào đây lập nghiệp. Theo dòng người di dân tự do, gia đình ông Vỹ đã nay đây mai đó quảng canh từ năm 1999 đến năm 2002 mới chọn Ia Ga định cư, lập bản. Lúc đầu chỉ 1 đến 2 hộ "nhảy dù" vào đây, mua lại một ít rẫy của đồng bào địa phương để sản xuất, sau đó khai hoang thêm đất canh tác. Miền đất phì nhiêu này đã không ngoảnh mặt với những ai cần cù chịu lam lũ làm ăn. ÔÍn định cuộc sống và bắt đầu có đồng tiền để dành, ông Vỹ đã về thăm quê, cắt hộ khẩu để nhập cư hợp pháp ở đất Tây Nguyên. Từ đó, bà con họ hàng, người cùng quê, cùng sắc tộc đã hội tụ về Ia Ga lập nghiệp ngày càng đông. Thấm thoắt đã có 45 hộ với trên 200 nhân khẩu quây quần thành một bản người Dao.

Một góc bản Dao giữa lng Jrai ở Ia Ga, huyện Ch Prng, Gia Lai
Bản Dao Đồng Tâm

Ông Nay Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Ia Ga - cho biết: "Tháng 6 năm 2002, xã biên giới Ia Lâu được chia tách làm 3 xã là Ia Piơ, Ia Lâu và Ia Ga, nhưng vẫn đất rộng người thưa. Riêng Ia Ga có 12.277ha nhưng có đến 11.500ha rừng nguyên sinh và chỉ có 250 hộ với trên 2.000 nhân khẩu, chia thành 4 thôn. Hội đồng Nhân dân và UBND xã đang đề nghị huyện cho thành lập thêm 2 thôn mới, trong đó có bản người Dao". Thế vì sao đã có tên thôn Đồng Tâm?- tôi thắc mắc. Là do những người Dao tự đặt tên. Đồng tâm đồng lòng làm giàu, sống hoà thuận, đoàn kết là tâm nguyện của họ. Xã cũng đã đồng ý xin đặt tên là thôn Đồng Tâm.

Ông Chủ tịch xã nói thêm, từ những năm 1980 đã có hàng trăm hộ dân người Tày, Nùng và người Kinh ở miền Tây Bắc - nơi lòng hồ Thuỷ điện Hoà Bình đã được Nhà nước cho di cư vào đây lập nghiệp. Bây giờ thì họ đã như người bản địa. Chỉ có bản Dao là mới hình thành chưa đầy 2 năm nay. Hiện chỉ 12/45 hộ được nhập khẩu. Tuy nhiên, con trẻ vẫn được địa phương tạo điều kiện đến trường, người lớn vẫn được tham gia những lớp xoá mù do thanh niên tình nguyện và bộ đội biên phòng tổ chức.

Điều mà ông Nay Nghĩa tâm đắc nhất với người bản Dao không phải vì họ... nấu rượu ngon, giá rẻ mà là tình đoàn kết, thân thiện và cầu thị của người Dao. "Cái đứa làm ăn khá nhất bản như nhà Chu Văn Mẫn, Đặng Thị Mùi đã dám thế chấp cả tài sản, nhà cửa của mình cho đồng bào trong bản vay vốn sản xuất. Lãi suất tuy hơi cao nhưng nhà nó đã cho bà con trong thôn Đồng Tâm vay trên 100 triệu đồng. Nhờ đồng vốn đó mà nhiều gia đình đã trụ được và khấm khá lên trông thấy" - ông Nghĩa hãnh diện "khoe". Không chỉ người trong bản Dao mới đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, để sống ôn hoà nơi đất khách quê người, giữa làng người Jrai, người Dao thôn Đồng Tâm còn thân thiện, hoà đồng với các bản làng dân tộc khác. Nói như bà Chu Thị Thẻn, bản Dao có rất nhiều người nói được cả 5 thứ tiếng: Dao, Kinh, Tày, Nùng và Jrai. Chính vì thông thạo nhiều ngôn ngữ như vậy mà việc buôn bán, đổi công, sinh hoạt cộng đồng ở đây diễn ra tiện lợi, chưa xảy ra mâu thuẫn, hiểu lầm nào đáng tiếc. Tuy nhiên trong thẳm sâu của những người Dao lớn tuổi vẫn còn luyến tiếc về sự phai mờ bản sắc của dân tộc mình. Bà Chu Thị Thẻn ngậm ngùi: Kể từ ngày dắt díu nhau vào đây mưu sinh, chúng tôi gần như quên hết những ngày lễ hội cổ truyền, những cái tết nhảy rộn ràng. Ngay bộ quần áo, xà cạp, vòng kiềng, khăn vấn đầu truyền thống của người Dao mà tôi mang theo đã nhiều năm nay cũng chưa có dịp mặc thử. Theo yêu cầu của chúng tôi, bà Thẻn đã bắc thang leo tót lên chái nhà lục tìm bộ áo quần và trang sức truyền thống. Nhìn bà Thẻn xúng xính, ngượng ngùng trong bộ trang phục vốn là niềm tự hào của dân tộc mình, không ai khỏi chạnh lòng khi nghĩ về một bản người Dao đang nhạt phai bản sắc.

Nhân rộng cộng đồng đoàn kết

Một già làng trưởng bản uy tín, đại diện cho nhiều dân tộc cùng sống ở một địa phương như Ia Ga không ai khác ngoài chính quyền xã. Ông Lê Xuân Khanh, Bí thư xã Ia Ga cho biết, thiên nhiên đã dành nhiều ưu đãi cho Tây Nguyên. Đất đai màu mỡ đến nỗi hạt vãi chưa kịp chạm đất đã nảy mầm. Người nông dân cần cù sẽ không bao giờ thiếu đói. Điều mà đồng bào dân tộc cần trước mắt là vốn và kinh nghiệm làm ăn, nhưng theo đó là vấn đề giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản, tránh trường hợp bị ứ đọng, tư thương ép giá. Kinh tế ổn định rồi mới tính đến đời sống văn hoá tinh thần cho đồng bào. Thế nhưng thực tế người "già làng" ấy ở Ia Ga còn chưa đủ năng lực.

Ông Khanh nguyên là cán bộ Trung tâm Thông tin của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Gia Lai được tăng cường đến đây 2 năm và đã hết hạn công tác. Những cán bộ người Jrai địa phương thừa nhiệt tình nhưng lại thiếu kinh nghiệm. Luân chuyển cán bộ từ huyện, tỉnh về địa phương cũng chưa phải là biện pháp tối ưu bởi chỉ trong thời gian ngắn khó có thể thành "già làng", đó là chưa kể việc cán bộ không biết tiếng đồng bào. Ia Ga là một trong những địa phương ổn định về tình hình chính trị, tư tưởng, nhưng nạn phá rừng vẫn còn diễn ra nóng bỏng. Theo ông Khanh, chỉ tính riêng nạn phá rừng làm rẫy thì trung bình mỗi năm một hộ dân mới nhập cư ở xã phá trên 2ha. Nếu tận dụng gỗ để làm nhà, lấy đất canh tác thì không lo ngại bằng việc lâm tặc lợi dụng tình hình này để phá rừng. Trước điều kiện như vậy, việc hình thành những bản, làng đồng tâm như bản người Dao ở Ia Ga là một trong những mô hình cần phát huy và nhân rộng. Sau Đồng Tâm là thôn Thống Nhất, xã sẽ kiến nghị để được lập thôn và chú trọng việc xây dựng những cộng đồng đoàn kết, giúp đỡ nhau, phát triển bền vững như bản Dao Đồng Tâm.

Theo Lao Động

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc