
Sản phẩm chuối của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn – huyện Đak Đoa (Nguồn: baogialai.com.vn)
Kế hoạch đặt ra mục tiêu tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại A, B tăng 10%/năm so với năm 2022; tỷ lệ cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tăng lên 10%/ năm so với năm 2022; tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm so với năm 2022; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu tăng 10%/ năm so với năm 2022. Diện tích trồng trọt, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn và tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22 000 (hoặc tương đương) tăng 10%/năm so với năm 2022. 100% văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh và các địa phương kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phù hợp với phân công, phân cấp. Bên cạnh đó, tổ chức 1-2 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản các cấp.
Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra 06 nhiệm vụ trọng tâm chính gồm: Ổn định tổ chức bộ máy, nguồn lực quản lý, đảm bảo chất lượng, ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp; rà soát, triển khai thực hiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy định, quy chuẩn kỹ thuật tạo môi trường thuận lợi và động lực cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, bền vững. Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức và hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản và truyền thông quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Đảm bảo thẩm định chứng nhận đầy đủ cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP, tăng cường vận động cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết và kiểm tra ký cam kết theo qui định. Đồng thời, chủ động giám sát, cảnh báo, thanh kiểm tra đột xuất phát hiện kịp thời, xử lý nghiệm cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, ATTP và kịp thời xử lý sự cố ATTP, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông lâm thủy sản.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai kế hoạch theo quy định; kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh để chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện theo quy định. Các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện. UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, ban hành kế hoạch của địa phương và tổ chức triển khai hiệu quả, đúng tiến độ./.