Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Gia Lai: Triển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu

Ngày đăng: 01-12-2022, 05:00 - Lượt truy cập: 287

UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch số 2810/KH-UBND ngày 01/12/2022 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn đến năm 2050.



images3078282_1gl.jpg

Biến đổi khí hậu gây hạn hán ảnh hưởng đến cuộc sống người dân (Nguồn: baogialai.com.vn)​

​Kế hoạch nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0" vào năm 2050 là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân. Nâng cao trách nhiệm về việc ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của mỗi người dân và toàn xã hội. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện cùng với sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội. Tập trung nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển các cơ chế tài chính, thị trường các-bon, thúc đẩy chuyển dịch đầu tư cho phát triển kinh tế ít phát thải; phát huy nguồn lực của Nhà nước thúc đẩy thu hút các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nguồn lực quốc tế, đẩy mạnh hợp tác công tư trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 nâng tỷ lệ che phủ rừng trên 49,2%; tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 98%; 65% dân số ở nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo Quy chuẩn quốc gia với số lượng tối thiểu 60 lít/ngày/người; đảm bảo 100% dân cư đô thị sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung; đáp ứng nhu cầu về phòng chống dịch, bệnh và các bệnh mới phát sinh do biến đổi khí hậu; cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng thông minh với biến đổi khí hậu; phát triển chuỗi giá trị nông, lâm, thuỷ sản nhằm đảm bảo an ninh lương thực; hình thành các chuỗi liên kết do doanh nghiệp làm đầu mối, triển khai việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp; công tác dự báo khí tượng thuỷ văn được đầu tư, nâng cấp; bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; các nguồn gen hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi được lưu giữ và bảo tồn và phát triển; quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, suối. Đối với khí thải nhà kính, phấn đấu tổng lượng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh nằm trong giới hạn tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia (giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường). Đến năm 2050: Giữ vững độ che phủ rừng ổn định 49,2%, nâng cao chất lượng rừng và quản lý rừng bền vững, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm trên địa bàn tỉnh được phục hồi, bảo tồn thực sự có hiệu quả; quản lý hiệu quả tài nguyên nước và đất, cải thiện chất lượng môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục phát triển nền nông nghiệp thông minh hiện đại; phấn đấu 100% người dân được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh, an toàn bền vững; mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Cùng với đó, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh đạt mức phát thải ròng bằng “0"; lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh.

Để triển khai thực hiện, Kế hoạch đề ra 03 nhiệm vụ chính: Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; triển khai các nhiệm vụ giảm phát khí thải nhà kính; hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội, nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của các công trình hạ tầng đô thị, công trình chống ngập lụt cho đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, xây dựng chính sách hỗ trợ di dời dân cư khỏi khu vực sạt lở và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở gắn với sinh kế, ổn định đời sống của người dân; xây dựng các công trình khắc phục sự cố sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng ven sông, suối.

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối tham mưu, giúp UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan theo dõi, tổng hợp việc triển khai thực hiện Kế hoạch này đồng bộ, hiệu quả. Các sở, ban, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ động tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch với nội dung và hình thức phù hợp. Tuyên truyền phổ biến, rộng rãi đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng; tích hợp mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp vào kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý phù hợp với tình hình thực tiễn. UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại kế hoạch này xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương./.


Ngọc Minh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc