
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Gia Lai
Truyền thông chính sách được định nghĩa là tất cả các hoạt động của chính quyền và các tổ chức trong khu vực công nhằm chuyển tải và chia sẻ thông tin, chủ yếu nhằm mục đích tạo ra văn hóa công khai thông tin, đồng thời trình bày và giải thích các quyết định và hành động của Chính phủ. Tại Việt Nam, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách hiện nay được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông luôn phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước.
Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đến nay, công tác truyền thông chính sách tiếp tục được chú trọng và đổi mới. Các hoạt động học tập nghị quyết, quán triệt các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được tổ chức rộng rãi theo hình thức trực tuyến tới tất cả tổ chức cơ sở Đảng trên toàn quốc. Công tác truyền thông về hiệu quả hoạt động của Quốc hội được chú trọng. Chính phủ cũng đặt công tác truyền thông chính sách ở vị trí trung tâm trong công tác chỉ đạo điều hành. Hệ thống báo chí, truyền thông chính thống ở Trung ương và địa phương đóng vai trò chủ lực trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, hướng đến mục tiêu “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm". Tuy nhiên, kết quả bước đầu của việc đổi mới công tác truyền thông chính sách chủ yếu tập trung ở các cơ quan Trung ương. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa hình thành được đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp. Công tác truyền thông chính sách đôi lúc còn mang tính hình thức, thiếu hiệu quả, nội dung chưa phong phú. Báo chí truyền thống gặp không ít khó khăn về nguồn lực đảm bảo hoạt động và thực hiện chuyển đổi số…
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí đã tham luận về truyền thông chính sách theo chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy, vị trí, việc làm, định mức biên chế, công chức, viên chức làm công tác truyền thông chính sách; truyền thông chính sách lấy người dân là trọng tâm của phát triển; bố trí kinh phí cho tổ chức hoạt động của truyền thông chính sách; vai trò, trách nhiệm và định hướng truyền thông chính sách trong lĩnh vực tiền tệ-ngân hàng; thực trạng, giải pháp về công tác truyền thông chính sách trong lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; vai trò, sứ mệnh của công tác báo chí trong truyền thông chính sách; kinh nghiệm truyền thông chính sách của một số địa phương... Ngoài ra, đại biểu còn tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông chính sách trong thời gian tới.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định công tác truyền thông chính sách có vai trò rất quan trọng, là một trong những chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Chính phủ và các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Phải làm truyền thông cả trước, trong và sau ban hành chính sách. Tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý phản biện chính sách. Quán triệt Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Thúc đẩy, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật; đồng thời bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy vai trò tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông trong thực hiện truyền thông chính sách… Gắn công tác truyền thông chính sách với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch. Bên cạnh đó, khuyến khích sáng tạo, đổi mới nội dung và hình thức truyền thông chính sách, làm sao truyền tải thông tin đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe, dễ nghe, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá, dễ đi vào lòng dân, từ đó, người dân tự giác thực hiện. Đối với một số kiến nghị tại hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì xử lý vấn đề tăng cường đội ngũ truyền thông chính sách tại các bộ, ngành địa phương. Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan, rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách./.