 |
Truyền dạy cồng chiêng. Ảnh: Phan Nguyên |
Công tác tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển được chú trọng. Các cơ quan khối tuyên truyền của tỉnh đã có nhiều bài viết, tin, ảnh, phóng sự thông tin, phản ánh những cách làm hay, sáng tạo của cơ quan, đơn vị và tinh thần đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây tác hại đến văn hóa của dân tộc. Trong 1 năm qua, Báo Gia Lai đã đăng tải hàng ngàn tin, bài, ảnh; Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh đã thực hiện trên 200 tin, bài, phóng sự phát trên sóng phát thanh, truyền hình; các địa phương trong tỉnh có gần 400 tin, bài tuyên truyền về lĩnh vực văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch. Các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức được 354 buổi tuyên truyền văn nghệ, chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị tại cơ sở. Bảo tàng tỉnh đã đón, phục vụ 57 đoàn khách với hơn 16.800 lượt người; tổ chức 5 đợt triển lãm thu hút gần 10.000 người tham quan. Hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh có 675.827 bản sách phục vụ độc giả. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức gần 1.000 buổi biểu diễn văn hóa-văn nghệ phục vụ người dân.
Công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn tỉnh được chú trọng. Toàn tỉnh hiện có 34 di tích, cụm di tích di sản văn hóa vật thể đã được xếp hạng. Trong đó có 1 quần thể với 9 cụm di tích được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích quốc gia và 17 di tích cấp tỉnh. Gia Lai có 1 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 7 hiện vật, bộ hiện vật (với tổng số 27 hiện vật) đã được đăng ký cổ vật. Theo thống kê, toàn tỉnh còn lưu giữ được 5.655 bộ cồng chiêng; có khoảng 900 nghệ nhân đánh chiêng giỏi và 60 nghệ nhân biết chỉnh chiêng.
 |
Nghệ nhân Đinh Jam (làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang) hướng dẫn kỹ thuật đánh cồng chiêng cho thiếu nhi. Ảnh: Ngọc Minh |
Công tác trùng tu, bảo tồn các di sản, di tích cấp quốc gia, các làng nghề truyền thống được các ngành, địa phương quan tâm. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh thành lập được hơn 100 đội cồng chiêng. Nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số đã thành lập các đội cồng chiêng tham gia các hội thi do địa phương và Trung ương tổ chức. Trong năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức 13 lớp bồi dưỡng liên quan đến hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc cho các em học sinh tại các trường phổ thông. Ngành Văn hóa và các địa phương đã tổ chức phục dựng 8 lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Các lễ hội phù hợp với tập quán truyền thống, thuần phong mỹ tục, văn hóa của từng địa phương, đảm bảo an toàn, hiệu quả về phòng-chống dịch bệnh, cháy nổ, an ninh trật tự theo quy định. Trong năm 2022, các cơ quan chuyên môn tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn, đôn đốc xây dựng hồ sơ khoa học các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh đề nghị xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, quảng bá, triển lãm chuyên đề về di sản; phối hợp với các trường học tổ chức các hoạt động về nguồn cho đoàn viên, thanh niên, xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với di sản… được triển khai thực hiện hiệu quả và chuyên nghiệp hơn.
Phát huy kết quả đạt được sau 1 năm thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, chúng ta cần tiếp tục làm tốt hơn công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí của sự nghiệp phát triển văn hóa, gắn việc phát triển văn hóa với kinh tế-xã hội của địa phương. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa, các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động văn hóa phù hợp tình hình của địa phương. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao bổ ích, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng tầm nhận thức của các tầng lớp nhân dân về hưởng thụ văn hóa, hòa nhập với cộng đồng và bảo vệ bản sắc văn hóa vốn có của địa phương.
Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Chú trọng bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Chăm lo đầu tư cho công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, khôi phục các làng nghề truyền thống, các di sản văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc; xây dựng con người có tư tưởng, đạo đức, nếp sống lành mạnh, bài trừ những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan.
Ngoài ra, cần thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội hóa về văn hóa, thể thao và du lịch. Có các giải pháp cụ thể để xây dựng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa-văn nghệ. Làm tốt công tác quản lý các loại hình thông tin và truyền thông để định hướng tư tưởng, văn hóa và thẩm mỹ cho Nhân dân, nhất là cho thanh-thiếu niên. Chủ động đấu tranh phòng-chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa.