
Phở khô là món ăn bình
dị của người dân Gia Lai. Ảnh: Khánh Hòa.
Phở khô là món ăn dân dã của Gia Lai. Năm 2012, phở khô là
một trong 10 món ăn Việt Nam xác lập kỷ lục châu Á.
Phở khô còn có tên gọi khác là phở hai tô. Sở dĩ có tên gọi
như vậy vì khi thưởng thức món ăn này, thực khách sẽ được phục vụ hai tô, một
tô bánh phở và một tô nước súp.
Khác với bánh phở Sài Gòn, phở khô có sợi nhỏ như sợi hủ
tiếu gõ, nhưng săn và hơi dai hơn. Trụng bánh phở tưởng chừng đơn giản nhưng
phải có bí quyết riêng. Bánh phở trụng phải vừa ăn, dai, không nát, không vón
cục để thực khách dễ dàng pha chế với tương nâu, xì dầu, tương ớt cho vừa khẩu
vị của từng người.
Ngoài sợi phở, nước dùng cũng là thành phần quan trọng làm
nên sự ngon miệng cho món ăn. Nước súp của phở khô Gia Lai trong veo và có vị
thanh ngọt rất ngon miệng. Để có được điều đó, người ta ninh xương lợn và bò để
lấy nước dùng. Trong quá trình ninh, phải canh hớt bọt liên tục.
Đăc biệt, nước dùng được nêm gia vị rất vừa phải, không quá
đậm đà và cũng không quá nhạt, nên khi ăn kèm với bánh phở bạn sẽ thấy rất vừa
miệng. Khi ăn, bánh phở được chần chín và để riêng trong một tô, một ít giá
chần, hành phi và thịt lợn nạc băm nhuyễn được phủ đều lên. Nước dùng được để
riêng trong một tô còn lại. Nguyên liệu ăn phở khô rất phong phú, bạn có thể ăn
với thịt gà, thịt bò tái hoặc bò viên.
Ăn phở khô không thể thiếu tương đen, đây chính là chất xúc
tác tăng hương vị cho món ăn. Tương vừa có vị mặn nhưng vẫn có vị hơi ngòn ngọt
của đậu được lên men. Món ăn đầy đủ với một tô bánh phở, một tô nước dùng cùng
đĩa rau sống. Khi ăn, cho tương đen, nước tương, ớt sa tế, một lát chanh, ớt
trái để thêm vị cay và trộn đều. Các loại rau ăn kèm là xà lách, húng quế, ngò
gai và giá tươi được cho vào ăn chung với bánh phở hoặc nước dùng tùy theo ý
thích mỗi người.
Ở Sài Gòn, phở khô là một đặc sản được nhiều người ưa thích.
Bạn có thể thưởng thức món ăn này ở khu vực Bắc Hải (quận 10), khu Phan Xích
Long, Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh)....