Được biết, sau hơn bảy năm thực hiện Nghị quyết số
15/2003/QH11 ngày 17-6-2003 của Quốc hội đã đạt được các mục tiêu, yêu
cầu đề ra khi ban hành, tuy nhiên cũng đã phát sinh một số hạn chế cần
được sửa đổi cho phù hợp.
Trong báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết này, Bộ
trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, qua tám năm thực hiện bình quân
mỗi năm đã miễn, giảm đối với 11.249.076 hộ với diện tích miễn, giảm
khoảng 5.462.278 ha; tổng số thuế miễn, giảm 1.851.577 tấn quy thóc,
thành tiền là 2.837 tỷ đồng. Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được đã
phát sinh những yêu cầu cần phải mở rộng ưu đãi, tăng mức và quy mô
miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
 |
Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất |
Về thời hạn miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, Chính phủ đề nghị
thực hiện miễn, giảm thuế trong 10 năm (2011- 2020) và áp dụng từ ngày
1-1-2011. Theo nhận định, trong 10 năm tới đời sống người nông dân sẽ
được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn so với mặt bằng chung của xã hội.
Ngoài ra, việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho các đối tượng
sản xuất nông nghiệp là cần thiết và phù hợp với các cam kết của Việt
Nam khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới
(WTO).
Mặt khác việc miễn, giảm thuế trong 10 năm có ý nghĩa chính trị to lớn
động viên nông dân yên tâm sản xuất và thể hiện chủ trương nhất quán của
Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đồng thời phù hợp
với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm, chu kỳ sản xuất nông
nghiệp đặc biệt đối với cây lâu năm.
Theo báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc
hội Phùng Quốc Hiển trình bày, thì việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội
về tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết. Bởi
vì, việc này sẽ thể chế hóa chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong
việc tạo động lực tích lũy vốn, tăng đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh
tế nông nghiệp và nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn.
Một số ý kiến cho rằng, trước mắt có thể tiếp tục thực hiện chính sách
miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, song về lâu dài, cần thiết phải
thu thuế đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vì khi đã sử dụng tài
nguyên đất đai thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Thực
tế cho thấy, trong thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, bên cạnh những
kết quả tích cực cũng phát sinh tồn tại trong quản lý, sử dụng đất đai
như sử dụng kém hiệu quả, bỏ hoang hóa đất tại một số địa phương. Ngoài
ra, cần hạn chế tối đa việc miễn, giảm thuế nhằm bảo đảm bình đẳng trong
thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các đối tượng sử dụng đất đối với Nhà
nước, bình đẳng giữa các lĩnh vực kinh tế và giữ được tính trung lập của
chính sách thuế.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, thời hạn miễn, giảm 10 năm là tương đối
dài; chỉ nên miễn, giảm cho giai đoạn 5 năm, sau đó tổng kết, sửa đổi
toàn diện và ban hành một đạo luật chung về chính sách thuế đối với đất
đai (đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp) để bảo đảm tính đồng bộ,
thống nhất của hệ thống pháp luật.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp vào chiều ngày 24-11-2010.